Skip to main content

Dược liệu lên ngôi nhờ khoa học

Với việc ứng dụng công nghệ mới của các nhà khoa học Việt Nam vào một loại thảo dược không mới, CVI đã tạo bất ngờ lớn trên thị trường về số lượng sản phẩm bán ra chỉ sau hai năm.

Thành công của CVI bắt nguồn từ việc tạo giá trị mới cho một sản phẩm đã được dân gian sử dụng từ rất lâu đời là nghệ, thông qua việc ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra dòng sản phẩm tinh nghệ Nano (Nano Curcumin) hỗ trợ phòng ngừa, điều trị ung thư và một số căn bệnh thường gặp khác. Ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dược Mỹ phẩm CVI chia sẻ với DOANH NHÂN về chiến lược tạo cú hích trên thị trường ngách và xây dựng chuỗi giá trị trong ngành sản xuất dược phẩm.

KẾT NỐI TRÍ TUỆ VIỆT

Xin ông chia sẻ về hành trình đi đến việc lựa chọn Nano Curcumin làm dòng sản phẩm chủ lực của CVI?

Từ thời sinh viên, tôi và đồng sáng lập CVI là anh Nguyễn Trường Thành đã ấp ủ giấc mơ thành lập công ty ứng dụng công nghệ hiện đại vào các bài thuốc dân gian để nâng cao giá trị của thảo dược truyền thống, thay thế thuốc nhập khẩu. Sau khi phân tích, chúng tôi chọn hướng đầu tư vào những cây thảo dược thế mạnh của Việt Nam có thể phát triển đại trà, đồng thời đã được nghiên cứu bởi nhiều công trình khoa học trên thế giới. Với hai tiêu chí này, Việt Nam chỉ có một số cây đáp ứng được đó là: nghệ, tỏi, gừng, ba kích hoặc một số cây đặc hữu của Việt Nam như sâm Ngọc Linh, lan gấm. Trong số đó, nghệ đã được dân gian sử dụng từ hàng nghìn năm nay để chữa dạ dày, ngừa ung thư, làm đẹp,… Trên thế giới cũng đã có nhiều công nghệ bào chế giúp làm giàu hàm lượng curcumin – hoạt chất chính trong nghệ lên đến 95 – 97%. Đặc thù của các dược liệu có giá trị kinh tế cao là hoạt tính thường ít tan, công nghệ Nano giúp khắc phục điều đó và đây cũng sẽ là công nghệ nguồn để ứng dụng cho các dược liệu khác. Đó là hành trình ra đời của dòng sản phẩm Nano Curcumin.


Giai đoạn đầu, làm thế nào để ông thay đổi được thói quen tiêu dùng của người Việt Nam, vốn chưa thực sự chú trọng đến việc phòng ngừa bệnh?

Tại các nước phát triển, xu hướng phòng bệnh đã rất phổ biến. Ví dụ như ở Mỹ, 30% ngân sách của thị trường dược là chi cho việc phòng ngừa. Ở nước ta, cùng với sự phát triển của nền kinh tế và khả năng tiếp cận thông tin của người dân, việc sử dụng các biện pháp phòng ngừa bắt đầu được quan tâm nhiều hơn. Điều thuận lợi là người dân Việt Nam đã có sẵn thói quen dùng tinh bột nghệ. Vấn đề gặp phải cuả người dân khi dùng tinh bột nghệ truyền thống là hiệu quả chưa rõ ràng, cách sử dụng vẫn tương đối rườm rà, tinh bột nghệ lẫn nhiều tạp chất nên gây nóng. CVI đã thổi vào sản phẩm tinh bột nghệ câu chuyện về công nghệ cao giúp nâng cao giá trị, gia tăng hiệu quả và thay đổi cách dùng.

Hiện nguyên liệu nghệ của CVI đag được trồng ở những khu vực nào, thưa ông?

Chúng ta có nhiều vùng chuyên canh về nghệ, trong đó nổi tiếng nhất là vùng Khoái Châu (Hưng Yên), Đông Triều (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai. Tuy nhiên CVI không trực tiếp tham gia vào tất cả các khâu trong chuỗi giá trị, từ việc trồng cây nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng ra thị trường. CVI là viết tắt của cụm từ “kết nối trí tuệ Việt”. Chúng tôi đặt mình ở vị trí người kết nối các phần trong chuỗi giá trị. Đó cũng là chiến lược xuyên suốt của CVI.

Liệu điều đó có đảm bảo được việc kiểm soát chất lượng cũng như sự chủ động của doanh nghiệp?

Quan điểm của chúng tôi là một doanh nghiệp không bao giờ làm giỏi được tất cả các khâu. Thế giới là sự phân công lao động. Vấn đề là mình phải kết nối được chuỗi giá trị đó bằng việc đảm bảo lợi ích của các thành phần gắn chặt với nhau và mỗi khâu trong chuỗi giá trị này đều phải làm tốt nhất phần việc của mình. Chúng tôi đảm nhiệm phần định hướng, phát hiện nhu cầu và chuẩn của thị trường để xây dựng sản phẩm.

Nhưng rất có thể, một ngày nào đó sẽ có doanh nghiệp mang lại lợi ích lớn hơn cho các đơn vị tham gia chuỗi, điều gì đảm bảo CVI sẽ mang lại lợi ích lớn nhất cho họ?

Đó là bài toán chúng tôi phải giải khi đặt vấn đề hợp tác với Việ Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Chúng tôi giải quyết bằng bài toán kinh doanh bài bản và chia sẻ với họ lộ trình phát triển sản phẩm. Chúng tôi đảm bảo bằng các cam kết về tiến độ đưa sản phẩm ra thị trường, bao tiêu sản phẩm, giá thành tốt nhất và điều quan trọng là trong mỗi câu chuyện truyền thông, xây dựng thương hiệu của CVI, họ đều thấy hình ảnh của mình ở trong đó. Tại Việt Nam, nhiều hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà khoa học không thành công là bởi thiếu niềm tin.

Vậy còn khâu sản xuất sản phẩm, CVI có trực tiếp tham gia không?

Giai đoạn đầu chúng tôi thuê Công ty Mediplantex sản xuất. Vừa qua, CVI đã khai trương nhà máy tại khu công nghiệp Quang Minh với dây chuyền công nghệ Hàn Quốc sản xuất viên nang mềm hiện đại nhất và có công suất lớn nhất hiện nay với 1,2 triệu viên/ ngày. Khác với hướng đi của nhiều doanh nghiệp, cách làm của chúng tôi là có thị trường rồi mới đầu tư vào sản xuất. Tất cả các khâu đều phải bắt đầu từ thị trường.

MỖI SẢN PHẨM LÀ MỘT CÂU CHUYỆN

CVI đã mất rất nhiều công sức để xây dựng nhận thức về Nano Curcumin, nhưng sau thành công ban đầu của CVI, rất nhiều nhãn hiệu và sản phẩm có công dụng na ná đã ra đời, CVI làm thế nào để tạo ra sự khác biệt?

Chúng tôi có một phần sai lầm khi trong thời gian dài đã tập trung truyền thông về thành phần không được bảo hộ là Nano Curcumin, dẫn đến trào lưu ăn theo trên thị trường. Mặt khác, Việt Nam ở cạnh hai quốc gia là Ấn Độ và Trung Quốc, họ sản xuất hàng nhái rất nhanh với công nghệ thấp và giá thành rẻ. Phải khẳng định rằng, ở thị trường Việt Nam, chưa có đơn vị nào đưa ra được sản phẩm Nano Curcumin đúng nghĩa ngoài Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Các sản phẩm quảng bá trên thị trường đa số nhập từ Ấn Độ và Trung Quốc. Giải pháp của chúng tôi là tăng cường truyền thông, xây dựng nhận thức cho bệnh nhân cũng như khách hàng trung gian là các nhà thuốc. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục cải thiện sản phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm và thoát khỏi sự đeo bám của các đối thủ. Khi đưa ra một sản phẩm, chúng tôi luôn đặt câu hỏi, sản phẩm này có còn khả năng cải tiến hay không?

Hiện sản lượng bán ra của các dòng sản phẩm Nano Curcumin của CVI như thế nào, thưa ông?

Trung bình mỗi ngày có khoảng 1.500 hộp sản phẩm bán ra. Hiện đang có khoảng 30.000 bệnh nhân trên khắp Việt Nam đang dùng sản phẩm của CVI hàng ngày. Chúng tôi sắp đạt mốc 60.000 đơn vị sản phẩm đưa ra thị trường. Mục tiêu tăng trưởng mà chúng tôi đặt ra là khoảng 50%/năm.

Sản phẩm của CVI đang đi vào thị trường qua những kênh nào, thưa ông?

Đầu tiên là kênh nhà thuốc, sản phẩm của CVI có mặt ở hầu khắp các nhà thuốc trên cả nước. Kênh thứ hai là khách hàng đặt hàng trực tiếp qua hotline hoặc online. Thứ ba là những khách hàng đã tin sản phẩm của chúng tôi và mua cho bạn bè, người thân của họ.

Vậy tại sao CVI không đi vào kênh bệnh viện?

Bệnh viện không phải là kênh ưu tiên của chúng tôi. Lý do là với kênh bệnh viện, đa phần quyết định mua của bệnh nhân nằm ở bác sỹ. Chúng tôi muốn sản phẩm của mình phải thực sự được khách hàng yêu quý, lựa chọn của họ xuất phát từ nhu cầu, nhận thức về cái hay của sản phẩm, chứ không phải bị cưỡng bức bởi quyết định của một người khác. Đó mới là thị trường bền vững.

Định hướng xuất khẩu của CVI như thế nào, thưa ông?

Thời điểm công bố công nghệ Nano Curcumin, nhiều cơ quan truyền thông quốc tế như VOA Hoa Kỳ, Tân Hoa Xã, Xinhua News hay Global Times đều đưa tin về thành tựu công nghệ này của Việt Nam. Ngay sau đó, rất nhiều cá nhân và doanh nghiệp ở nước ngoài đặt vấn đề với chúng tôi về việc phát triển sản phẩm tại quốc gia của họ. Chúng tôi đều từ chối, bởi sản phẩm của CVI đã có cái hay nhưng chưa đủ. Chúng tôi cần hoàn thiện hơn, từ việc đăng ký sở hữu trí tuệ đến bộ chứng chỉ để gia nhập thị trường thế giới. Hiện, chúng tôi đã đăng ký bảo hộ thương hiệu tại thị trường Bắc Mỹ, và đây sẽ là điểm xâm nhập đầu tiên của CVI ra thị trường thế giới.

Ngoài Nano Curcumin, CVI có kế hoạch đưa ra dòng sản phẩm nào nữa không, thưa ông?

Chúng tôi đã thuyết phục được UBND tỉnh Quảng Ninh triển khai đề tài nâng cao giá trị của cây ba kích tím tại địa bàn tỉnh, trong đó ứng dụng công nghệ Nano để sản xuất. Dự kiến, tháng 5 năm sau sẽ đưa sản phẩm ra thị trường. Cuối năm nay, một sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, kết hợp giữa Nano Curcumin, Fucoidan chiết xuất từ tảo nâu và Saponin từ tam thất sẽ ra mắt. Tương lai sẽ còn những dòng sản phẩm từ gấc, lan gấm, tỏi đen,…

Và sẽ lại có thêm những câu chuyện mới?

Đúng vậy, mỗi sản phẩm khi xâm nhập thị trường, để người tiêu dùng bỏ tiền ra mua thì bên cạnh công dụng của sản phẩm họ phỉa bị thuyết phục bởi câu chuyện chúng ta kể. Tại công ty, chúng tôi đã từng mời những chuyên gia kể chuyện đến để đào tạo kỹ năng kể chuyện cho nhân viên. Mỗi sản phẩm của chúng tôi đều hàm chứa một câu chuyện.

Xin cảm ơn ông!