Nhức nhối thực phẩm chức năng giả
(HQ Online)- Với tỉ lệ 63% người trưởng thành (tại Hà Nội) và 43% (tại TP.HCM) đang sử dụng, thực phẩm chức năng được xem là “mảnh đất màu mỡ” cho hàng giả, hàng nhái hoành hành. Thực trạng này không chi gây thiệt hại về kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh không bình đẳng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Lực lượng chức năng bắt giữ mỹ phẩ, dược phẩm, thực phẩm chức năng trên địa bàn biên giới Móng Cái, Quảng Ninh. Ảnh: Quang Hùng
Thật giả lẫn lộn
Thông tin tại Hội thảo Bảo vệ người tiêu dùng sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN) do Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389), Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế phối hợp với Báo Lao động tổ chức, ông Trần Hùng- Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban 389 cho biết: Mới đây tại Hà Nội, cơ quan chức năng đã thu giữ 20 tấn TPCN giả. Tại TP.HCM 12 tấn TPCN giả, không rõ nguồn gốc vừa bị bắt giữ tại quận 7. Phần lớn các mặt hàng TPCN làm giả, kém chất lượng đều được nhập từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, về đến Việt Nam được các cơ sở thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và mang đi tiêu thụ.
Các vi phạm khá đa dạng như giả mạo về thành phần, chất lượng không đạt tiêu chuẩn đã đăng ký công bố, ghi nhãn sai và giả mạo bao bì, xâm phạm sở hữu nhãn hiệu hàng hóa, vi phạm về thông tin, quảng cáo sản phẩm…
Chia sẻ về vấn nạn sản xuất hàng giả trong lĩnh vực TPCN, đại diện Công ty Dược Mỹ phẩm CVI nói: Thời gian qua, doanh nghiệp đã tập trung xây dựng thương hiệu CumarGold, từ việc chuyển giao đề tài nghiên cứu khoa học của Viện Hoá học- Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ sau hai năm ra thị trường, những sản phẩm lấy thương hiệu và nhãn mác gần giống CumarGold, với những thông tin về công dụng tương tự CumarGold đã lên đến con số vài chục. Đây đều là những doanh nghiệp đã nhập khẩu hoặc sản xuất nguyên liệu Nano Curcumin từ Trung Quốc, Ấn Độ có chất lượng thấp để đưa ra thị trường, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
“Thương hiệu CumarGold và đặc biệt là các giá trị của Nano Curcumin do CVI dày công xây dựng nhanh chóng bị cạnh tranh bởi những sản phẩm hàng nhái, hàng ăn theo. Chúng tôi chịu rất nhiều tổn thất, người tiêu dùng cũng rất hoang mang trước nhiều lựa chọn na ná nhau”, vị đại diện Dược Mỹ phẩm CVI nói.
Kiểm soát chặt
Hiện theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm, trên thị trường Việt Nam, hơn 60% số sản phẩm TPCN được sản xuất trong nước, hơn 30% còn lại được nhập khẩu. Nhu cầu sử dụng TPCN gia tăng rất nhanh và ngày càng phổ biến ở các thành phố lớn. Theo khảo sát, số người sử dụng TPCN tại Hà Nội là 63% người trưởng thành, tại TP. HCM là khoảng 43% người trưởng thành.
Chính vì nhu cầu sử dụng TPCN của người dân tăng cao không ngừng nên nhiều đối tượng đã không từ thủ đoạn để làm giả TPCN. Vậy nên để “dẹp” vấn nạn TPCN giả, theo ông Trần Hùng, không chỉ cần có sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành các cơ quan chức năng mà còn cần sự phối hợp của các Hiệp hội, quần chúng nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan truyền thông, báo chí mới phát huy được tác dụng.
Ông Hùng cho rằng thời gian tới ngành Y tế (cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp liên quan tới lĩnh vực TPCN) cần rà soát công tác quản lý trong giám định, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, đăng ký lưu hành, cấp giấy phép. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành tiêu chuẩn, đăng ký chất lượng, đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh đối với các mặt hàng TPCN.
Bên cạnh đó Cục An toàn thực phẩm cần xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin về giấy phép, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng cho các cơ quan quản lý Nhà nước có chức năng kiểm soát nhập khẩu, kinh doanh TPCN.
Về phía doanh nghiệp sản xuất TPCN, đại diện Công ty Dược Mỹ phẩm CVI cho rằng, doanh nghiệp phải là người chủ động, chủ động bảo vệ mình và bảo vệ khách hàng của mình. Việc chủ động này cần phải bắt đầu từ khâu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình
Mặt khác cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm áp dụng quy định chặt chẽ về điều kiện sản xuất TPCN theo tiêu chuẩn GMP (thực hành sản xuất tốt), kiểm soát chặt chẽ tất cả các khâu từ nguồn nguyên liệu đầu vào phải đạt chuẩn và công bố tiêu chuẩn rõ ràng, nhằm phân biệt về hàm lượng dược chất chính và các tiêu chuẩn nguyên liệu trong hồ sơ công bố sản phẩm; Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế nên quy định rõ yêu cầu bắt buộc tên TPCN khi công bố phải được bảo hộ, hoặc không vi phạm quyền bảo hộ của các SP đã đăng ký; Kiểm soát chặt chẽ việc công bố và chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào; Tăng cường công tác hậu kiểm, kiểm nghiệm các thành phần theo công bố, kiểm tra việc ghi nhãn sản phẩm cũng như các tài liệu thông tin quảng cáo sau cấp phép.