Skip to main content

Làm mới những giá trị cũ

Việc làm mới những giá trị cũ bằng khoa học công nghệ không chỉ là sự lựa chọn chiến lược giúp CVI Pharma với nguồn lực hạn chế có cơ hội tiếp cận thị trường dược phẩm đang cạnh tranh khốc liệt, mà còn là động lực phát triển của Công ty.

Đó là chia sẻ của ông Phan Văn Hiệu – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dược Mỹ phẩm CVI với DĐDN.


– Thưa ông, CVI Pharma là một trong những doanh nghiệp tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, tạo ra mối quan hệ kết nối vững chắc giữa “ba nhà”: nhà nông – nhà khoa học – doanh nghiệp. Điều này đã và đang mang lại giá trị bền vững ra sao cho doanh nghiệp?

Đất nước chúng ta có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú cùng nền y học cổ truyền lâu đời với hàng nghìn bài thuốc dân gian mang bản sắc riêng. Song nước ta lại đi sau các nước phát triển về công nghệ sản xuất nên thường xuyên phải nhập khẩu nguyên liệu về bào chế. Điều này đã vô tình bỏ phí nguồn tài nguyên thảo dược mà thiên nhiên ban tặng và những bài thuốc quý gia truyền nhiều đời của cha ông. Bên cạnh đó, nhiều công trình nghiên cứu khoa học về các loại thảo dược có tính ứng dụng cao cũng bị “cất trong ngăn tủ”, gây lãng phí chất xám và nguồn tài nguyên dược liệu phong phú.

Chính từ những trăn trở đó, chúng tôi đã mạnh dạn thành lập Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm CVI (CVI Pharma), hợp tác với các nhà khoa học, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất các sản phẩm đột phá, chất lượng từ nguồn dược liệu thuần Việt. Qua đó, đã mang lại giá trị bền vững cho cộng đồng bằng các sản phẩm được nghiên cứu chỉn chu, có giá trị thực tiễn cho người dùng; cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân; cải tạo liên tục nguồn tài nguyên đất trồng dược liệu.

Việc làm mới những giá trị cũ bằng khoa học công nghệ không chỉ là sự lựa chọn chiến lược giúp CVI Pharma với nguồn lực hạn chế có cơ hội tiếp cận thị trường dược phẩm đang cạnh tranh khốc liệt, mà còn là động lực phát triển của Công ty.

– Đến thời điểm hiện tại, ông nhận thấy ngành dược của Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thế giới?

Ngành sản xuất dược phẩm ở Việt Nam được xếp vào các ngành có tỷ lệ tăng trưởng nhanh chóng. Thị trường dược phẩm Việt Nam còn được dự báo sẽ đạt 16,1 tỷ USD vào năm 2026. Các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm có sự đầu tư bài bản hơn, đạt được các tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt hơn. Hơn nữa, hệ thống phân phối dược phẩm tại Việt Nam tương đối phát triển. Đặc biệt, hệ thống nhà thuốc đang phát triển rộng khắp trên cả nước.

Tuy nhiên, ngành sản xuất dược phẩm tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế như thiếu kết nối với công nghệ và kỹ thuật tiên tiến và chưa làm chủ được thị trường Việt Nam. Nhiều nhà máy thuốc ở Việt Nam chỉ cho ra các sản phẩm dạng bào chế với dây chuyền sản xuất đơn giản, chưa tiếp cận tới các công nghệ hiện đại, kỹ thuật bào chế mới,…

Một điều đáng buồn là hơn 90% nguyên liệu sản xuất dược phẩm trong nước phải nhập khẩu, trong khi đó tài nguyên cây thuốc khổng lồ cùng với điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi lại không được tận dụng tối đa.

Xưởng nang mềm hiện đại, đồng bộ được cung cấp bởi nhãn hiệu CUBE Hàn Quốc.

– Vậy, từ thực tế triển khai ở doanh nghiệp, theo ông làm thế nào để có thể tận dụng được tối đa những thuận lợi và khắc phục những khó khăn?

Với thị trường tiêu thụ sẵn có, các doanh nghiệp sản xuất dược tại Việt Nam cần nâng cao khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Ngành dược cần tập trung nguồn lực vào các khâu nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển, sản xuất thuốc. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào các sản phẩm thuốc nhập khẩu từ nước ngoài.

Công nghệ tiên tiến luôn là chìa khóa khi muốn phát triển và nâng cao sức cạnh tranh. Vì thế, các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm cần áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến vào sản xuất và khai thác hết thế mạnh vốn có của nước ta. Một trong những điều thiết yếu để gia tăng tính cạnh tranh là đảm bảo chất lượng sản phẩm. Trước tiên, các nhà máy cần đạt các tiêu chuẩn sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn càng cao thì doanh nghiệp càng uy tín, chất lượng.

CVI Pharma định vị sẽ trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, dẫn dắt ngành công nghiệp dược phẩm Việt Nam gắn với thảo dược.

– Hiện, CVI đang đóng vai trò như một mắt xích còn thiếu trong chuỗi phòng thí nghiệm – sản xuất – thị trường. Đâu là những thách thức cho CVI khi tham gia vào kết nối chuỗi giá trị này?

CVI Pharma ra đời trong lúc ngành dược phẩm đang đối diện với rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi luôn nhận thức được rằng tập trung vào R&D là điều kiện tiên quyết tạo nên sự thành công, nhất là trong nghiên cứu và phát triển thảo dược đòi hỏi trình độ nhân lực cao, có độ rủi ro cao, tốn thời gian, tốn kém do các quy định nghiêm ngặt của Chính phủ.

Hơn nữa, tại Việt Nam, thông tin về nhu cầu sức khoẻ của người dân trong cộng đồng còn thiếu, gây cản trở cho việc đánh giá nhu cầu của người tiêu dùng; sự phụ thuộc vào thị trường trưởng thành của ngành là một trở ngại bên cạnh việc chống lại định kiến của người tiêu dùng đối với dược phẩm sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển, CVI Pharma đã chứng tỏ được vai trò dẫn dắt của mình trong việc bảo tồn và phát triển các loại dược liệu quý hiếm của Việt Nam với sứ mệnh tiên quyết “Nâng tầm thảo dược”. Có được những thành công bước đầu đó, chúng tôi đã xây dựng chiến lược và tổ chức thực thi, đo lường hiệu quả dựa vào hai yếu tố cốt lõi: tập trung vào R&D; lấy con người làm trọng tâm, chúng tôi giúp cải thiện sức khỏe của hàng triệu người trên thế giới.

– Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp