Doanh nghiệp Việt “dọn hàng” lên Amazon có dễ?
(KTSG Online) – Thương mại điện tử xuyên biên giới đang chứng kiến sự tăng trưởng của các doanh nghiệp Việt Nam. Hiện tại có hàng nghìn nhà bán hàng ở nhiều lĩnh vực đang phát triển kinh doanh toàn cầu qua Amazon. Tuy vậy, việc tìm kiếm thế mạnh cạnh tranh trên sân chơi quốc tế không mấy dễ dàng với thương hiệu Việt.
Báo cáo do AccessPartnership phát hành chỉ ra doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới (B2C) của Việt Nam ước tính tăng trưởng trên 20% mỗi năm, dự kiến đạt 256,1 nghìn tỉ đồng (11,1 tỉ đô la Mỹ) vào năm 2026.
Thế mạnh vùng miền thôi chưa đủ
Chia sẻ với KTSG Online, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, ông Gijae Seong cho biết số lượng sản phẩm của các nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon đã tăng 300% trong 5 năm. Số lượng nhà bán hàng Việt Nam có doanh thu hơn 1 triệu đô trong năm 2023 cũng tăng gần 10 lần so với năm 2019.
Trong vòng 12 tháng tính đến hết 31-8-2023, các đối tác bán hàng Việt Nam đã bán hơn 17 triệu sản phẩm cho khách hàng trên toàn cầu, ghi nhận 70% tăng trưởng về số lượng sản phẩm xuất khẩu qua Amazon.
Theo ông, thế mạnh sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam trong nhiều năm qua trên TMĐT xuyên biên giới nổi bật nhất là các sản phẩm liên quan đến gỗ. Trong đó, có hai nhóm chính là nhà cửa và nhà bếp, chẳng hạn như thớt gỗ, bàn ghế ngoài trời, các vật trang trí treo tường bằng mây tre đan…
Bên cạnh đó, các sản phẩm sử dụng nguyên liệu tự nhiên, mang tính địa phương của Việt Nam được ưa chuộng là sản phẩm tiêu dùng (trà thảo mộc, cà phê, trái cây sấy khô…) và nhóm sản phẩm làm đẹp và chăm sóc sức khỏe cá nhân (mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…).
Ở Việt Nam, thương hiệu Abera sử dụng nghệ, nha đam, bột cà phê để sản xuất các sản phẩm chăm sóc da, tóc, răng… được thị trường ghi nhận rất tích cực vì vừa giải quyết được vấn đề đặc trị của khách quốc tế, vừa có yếu tố địa phương và tự nhiên cao.
Tương tự, doanh nghiệp Việt CVI Pharma cũng có các sản phẩm thực phẩm chức năng ứng dụng các lợi thế địa phương, giải quyết nhu cầu chăm sóc sức khỏe của khách quốc tế. Có thể nói, dư địa của các ngành này rất lớn và Việt Nam có nhiều ưu thế để cạnh tranh tốt trên thị trường này, ông Gijae Seong nhấn mạnh.
Khi gia nhập Amazon, thương hiệu Abera đã thu hút khách trên thế giới quan tâm đến mỹ phẩm thuần Việt. Chỉ tính trong năm 2023, Abera đã đạt doanh thu triệu đô la Mỹ trên Amazon, chiếm khoảng 28% tổng doanh thu của thương hiệu. “Mức độ tăng trưởng của Abera trên Amazon vượt xa kỳ vọng ban đầu của đội ngũ lãnh đạo”, đại diện Abera bộc bạch.
Để Việt Nam bước ra toàn cầu thông qua TMĐT xuyên biên giới cần “kiềng 3 chân”. Đại diện Amazon Global Selling Việt Nam chỉ ra thứ nhất là năng lực sản xuất dựa trên lợi thế các sản vật, nguyên vật liệu địa phương. Thứ hai là kết hợp nhuần nhuyễn các kỹ năng online để vận hành doanh nghiệp trên môi trường TMĐT. Thứ ba là làm câu chuyện thương hiệu để tạo điểm nhấn khác biệt.
“Thay áo mới” vào thị trường ngoại
Khi tham gia Amazon, ông Phan Văn Hiệu, CEO của công ty CVI Pharma chia sẻ kinh doanh trên Amazon là một môi trường rất cạnh tranh, đặc biệt với các nhà bán hàng từ Ấn Độ, Trung Quốc. Do đó, công ty cần nâng cao năng lực của doanh nghiệp về mọi mặt từ nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, làm truyền thông, marketing và vận hành.
Ông Hiệu yêu cầu đội marketing quốc tế cần giỏi tiếng Anh, quen thuộc với các nền tảng đặc thù ở Mỹ như Instagram, Twitter (x) và phải có kinh nghiệm làm việc trên sàn TMĐT ở Mỹ.
Được biết, các sản phẩm của CVI qua Amazon đều có sự nghiên cứu riêng cho thị trường quốc tế. Tuy vậy, khó khăn nhất là thấu hiểu nhu cầu người tiêu dùng Âu Mỹ. Khách Mỹ coi trọng sự thật nên mọi quảng cáo, giới thiệu thông tin mặt hàng phải có bằng chứng, giấy tờ kiểm nghiệm.
“Họ cũng quan tâm đến môi trường, xu hướng bảo vệ thiên nhiên, hỗ trợ người yếu thế nên công ty tập trung xây dựng sản phẩm, câu chuyện thương hiệu, thiết kế bao bì theo hướng đó”, ông Hiệu nhấn mạnh.
Hiện tại, đội ngũ CVI cũng đẩy mạnh việc hợp tác đầu tư với những đơn vị có kinh nghiệm kinh doanh thị trường quốc tế để cùng khai thác thế mạnh của nhau.
Trong khi đó, đại diện Abera chỉ ra sự khác biệt giữa Amazon với sàn TMĐT trong nước làm việc xuất khẩu thời gian đầu gặp ít nhiều thách thức. Amazon đòi hỏi thương hiệu phải cung cấp giấy tờ, chứng từ đầy đủ. Mặt khác, bao bì, phong cách truyền thông cũng phải đảm bảo theo tiêu chuẩn của Amazon.
Theo đại diện Abera, nếu ở thị trường Việt chuộng các sản phẩm làm trắng da, thì ở sàn quốc tế “whitening” (làm trắng) là từ khá nhạy cảm. Do đó, thay vì dùng từ “whitening” thì công ty nghiên cứu đổi sang cách nói khác cho đúng với thị hiếu và văn hoá của họ.
Thứ hai, nếu ở thị trường Việt, nhãn hàng phải liên tục tạo chương trình giảm giá, miễn phí vận chuyển thu hút khách, thì với nước ngoài Abera phải sẵn sàng tâm lý cho khách hàng đổi trả sản phẩm hoặc thậm chí gửi lại hàng cho khách nếu bên vận chuyển để lạc mất hàng.
Về chi phí marketing, thương hiệu chi trả khoảng 35% mỗi tháng. Riêng chi phí nhập hàng vào kho Amazon bên Mỹ khá cao tùy vào lượng hàng mỗi tháng để tính toán. Để phù hợp hơn với những yêu cầu của Amazon, Abera đã tiến hành nghiên cứu và phát triển sản phẩm phù hợp chuẩn FDA (chứng nhận của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ), có phương thức truyền tải thông điệp chỉn chu, chuyên nghiệp hơn…
Theo ông Gijae Seong, TMĐT xuyên biên giới đang mở ra một kỷ nguyên mới cho thương mại toàn cầu. Đối với sân chơi này, cơ hội là như nhau cho các doanh nghiệp. Dù vậy, thực tế còn nhiều doanh nghiệp trong nước chưa sẵn sàng vì thiếu nguồn lực và nhân lực phù hợp để bắt đầu chuyển đổi số.
Để đi bền vững với TMĐT xuyên biên giới, ông cho rằng doanh nghiệp phải biết tận dụng công cụ, số liệu, dữ liệu mà Amazon và các môi trường online khác cung cấp để đọc vị thị trường, thấu hiểu nhu cầu người dùng quốc tế. Từ đó công ty sáng tạo sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu thay vì lấy sản phẩm đã bán tại Việt Nam mang ra quốc tế.
Thứ hai, khi nhận được dữ liệu thị trường, các đánh giá của khách hàng về sản phẩm, các doanh nghiệp phải đủ nhanh nhạy để thay đổi, cải tiến sản phẩm và dịch vụ theo nhu cầu.
Thứ ba, các doanh nghiệp phải nghiêm túc đầu tư xây dựng thương hiệu, sử dụng công cụ, công nghệ để bảo vệ, xây dựng thương hiệu nhằm tăng giá trị sản phẩm trên trường quốc tế.