CVI Pharma chia sẻ kinh nghiệm phát triển nhà máy sản xuất dược nội địa tại Diễn đàn CEO “Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành sản xuất dược”

Các diễn giả tọa đàm về thực trạng và giải pháp cho ngành sản xuất dược. Ảnh: Tạp chí Kinh tế Sài Gòn
Thực trạng bức tranh ngành dược: Chưa khai thác tối ưu Về bức tranh ngành dược nước ta, ThS.DS Nguyễn Diệu Hà – Tổng thư ký, Chánh Văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam cho biết, ngành công nghiệp dược Việt Nam được đánh giá là phát triển nhanh trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, bên cạnh các quốc gia như Indonesia, Ấn Độ. Tính đến năm 2022, nước ta có 51 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 228 doanh nghiệp đạt chuẩn Thực hành sản xuất tốt GMP của Tổ chức Y tế Thế giới (GMP-WHO). Ngoài ra có 12 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn cao của Liên minh châu Âu (EU) hay Nhật Bản. Tuy nhiên, đặc điểm của ngành dược Việt Nam hiện nay là chủ yếu sản xuất thuốc generic và chưa khai thác hết công suất đầu tư. Đồng thời, điểm yếu còn do nước ta chưa nghiên cứu sản xuất thuốc hết hạn phát minh, chưa chú trọng chuyển giao công nghệ mới. Theo phân tích, ngành dược Việt Nam còn nhiều cơ hội để phát triển hơn nữa. Dân số 100 triệu người, với tỷ lệ người trên 65 tuổi đạt 11,9% tạo ra thị trường dược khá rộng lớn. Dựa trên xu thế phát triển hiện nay, bà Diệu Hà cho rằng: “Các nhà đầu tư nên chú trọng tới các sản phẩm thuốc chuyên khoa, đặc trị, các sản phẩm hàm lượng khoa học công nghệ cao.” Cùng quan điểm trên, tại diễn đàn, PGS.TS Lê Văn Truyền – Chuyên gia cao cấp Dược học, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, ngành dược Việt Nam còn đang thiếu thuốc first generic (tức phiên bản generic đầu tiên của thuốc phát minh hết bản quyền, được đưa ra nhằm hạ giá thuốc và giúp người tiêu dùng tiếp cận với thuốc tốt hơn). Nếu không đáp ứng được “khoảng trống nhu cầu” này, doanh nghiệp Việt Nam khó có thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài trên chính thị trường của mình.
Toàn cảnh Tọa đàm CEO: Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành sản xuất Dược
PGS.TS Lê Văn Truyền cũng cho biết, ngành công nghiệp dược Việt Nam còn gặp nhiều thách thức về cơ sở vật chất, kỹ thuật. Tỷ lệ nhà sản xuất đạt tiêu chuẩn Thực hành sản xuất tốt (GMP) tiên tiến hiện vẫn còn thấp. Trong khi đó, đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sản xuất, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, sản xuất gia công và cơ hội xuất khẩu sang nước ngoài. Bài học kinh nghiệm phát triển nhà máy sản xuất dược nội địa từ CVI Pharma Để tìm lời giải cho bài toán khó này, đại diện của nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ kinh nghiệm, bài học về thúc đẩy phát triển năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất dược. ThS.DS Phan Văn Hiệu – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược mỹ phẩm CVI (CVI Pharma) chia sẻ chặng đường trong việc áp dụng khoa học công nghệ vào đổi mới, hiện đại hóa nhà xưởng sản xuất giúp nâng cao chất lượng dược phẩm. CVI Pharma là một trong những công ty tiên phong ứng dụng công nghệ cao để nâng tầm giá trị thảo dược truyền thống.
Ông Phan Văn Hiệu chia sẻ tại Tọa đàm
ThS.DS Phan Văn Hiệu cho biết, với 10 năm hoạt động, công ty của ông còn khá “non trẻ” trên thị trường. Hiện doanh nghiệp sở hữu một hệ sinh thái gồm công ty phân phối, công ty sản xuất và sắp tới là một viện nghiên cứu. Theo ông, để đạt được thành công ngày hôm nay, năng lực cạnh tranh lớn nhất của CVI Pharma nằm ở khả năng thích nghi và tạo ra sản phẩm khác biệt. Đây là thế mạnh giúp doanh nghiệp của ông vượt qua đại dịch COVID-19. Ngoài ra, CVI Pharma liên tục cập nhật và theo dõi sự thay đổi của người tiêu dùng; Tiếp cận khách hàng qua đa kênh (nhà thuốc và thương mại điện tử); Đa dạng sản phẩm đầu ra dựa trên công nghệ lõi. Sử dụng công nghệ cao (chiết xuất siêu tới hạn), doanh nghiệp này đã nghiên cứu các dạng bào chế nano tiên tiến, phát triển hệ sinh thái sản phẩm chứa Nano Curcumin. Từ đó, không chỉ bó hẹp trong sản xuất dược phẩm, CVI Pharma còn đầu tư tích cực vào phát triển lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và thực phẩm chức năng. Doanh nghiệp cũng khai thác tốt nguồn dược liệu quý của Việt Nam, với gần 200 loài có tiềm năng khai thác và phát triển trồng để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và hướng tới xuất khẩu (nghệ, atiso, sâm ngọc linh…).